Tôi đặt tên cho thế giới này


Mở đầu cho loạt sự kiện định kỳ của PDP trong năm 2011, VIP Talk tháng 1 đem đến cho các cóc FU cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với một trong những cô gái 8X có cá tính quyết liệt và phong cách độc đáo trong thế hệ của mình – Phan Ý Ly. Chuyên mục Cóc mời đăng tải bài viết của chị, với mong muốn mang đến những câu chuyện, sẻ chia đầy góc cạnh bên cạnh những bài viết giản dị của cóc nhà mình.

“Tại sao cậu lại gọi bố là “Ba”?”,“Vậy tại sao cậu gọi ba cậu là “Bố”?”

Từ nhỏ tôi đã được học cách “đặt tên cho thế giới”. Ba tôi luôn giải thích cho tôi các sự kiện một cách rõ ràng theo quy luật của nó, nhưng không bao giờ áp đặt công thức ấy với tôi. Nếu tôi hỏi “ Tại sao người ta lại gọi “con cá” là “con cá”?”, ba tôi sẽ nói “ “con cá” chỉ là cái tên để mọi người hiểu mà thôi, con có thể gọi nó là “cái bàn là” cũng được”.

Từ chuyện “cái tên”, tôi hiểu rằng, tự bản thân mình có thể định nghĩa được mọi thứ xung quanh theo cách mà mình nhìn thấy nó. Không phải mọi người bảo nó “dài” có nghĩa là tôi phải chấp nhận nó dài, không phải vì người khác bảo nó tròn thì tôi phải thấy nó tròn. Tôi hoàn toàn có khả năng và quyền để được gọi tên và định nghĩa mọi thứ theo cảm nhận và kinh nghiệm cuộc sống của mình.

Tôi còn nhớ như in bài tập làm văn đầu tiên. Khi cô giáo hướng dẫn cả lớp tả “cái bút chì”, hồi đó, bút chì của ai cũng được tả giống nhau “được bố mẹ mua nhân ngày khai giảng, nó dài hơn một gang tay, có cái tẩy mạ kền sáng bóng”… chắc ai ở lứa tuổi tôi cũng thuộc lòng. Thay vì hướng dẫn tôi làm theo sách giáo khoa, ba tôi cầm cái bút chì và bảo tôi: “Con cứ bịa đi, thấy cái gì thì bịa ra cái đó”. Cái từ “bịa” như một từ khoá giải thoát cho tôi nỗi lo sợ “làm sai”. “Bịa” thì có cần phải “đúng” đâu! Tôi yên tâm rồi say sưa “bịa”, nào là “cái bút của em còn có cả vết xước”, “cái tẩy bị con Tommy cắn gần đứt hết rồi”..v.v .. Từ những “thành công” ban đầu này, ba mẹ tôi sau đó rất tận tình liên hệ với người quen khi thì cho tôi đi ngắm con... lợn để làm văn, khi thì mua hoa hồng để tôi làm bài tả thực. Ba mẹ tôi đã cho tôi niềm tin vào sự cảm nhận thế giới theo cách của riêng tôi. Tôi bắt đầu “bịa” bài hát, “bịa” thơ từ những năm 9-10 tuổi, tôi thì tôi rất tự hào: “Cháu bịa đấy”, nhưng lần nào ba mẹ tôi cũng đính chính rất nghiêm túc:

“Con nên nói là sáng tác”.
“Nhưng mà con ngượng lắm!”
“Sáng tác” không phải là một điều đáng ngượng con ạ”.

Con chó lông đỏ

Hồi 7 tuổi, tôi chơi rất thân với một cô bạn tên là Thảo. Nhà Thảo có mấy con chó rất to, nhiều màu lông khác nhau, có con màu đen tuyền, có con màu nâu, có con màu trắng. Thấy tôi thích chơi với chúng, bố Thảo hỏi tôi: “Sau này lớn lên Ly thích có con chó màu gì?”. Tôi suy nghĩ một lúc, rồi trả lời “Màu đỏ ạ”. Bố Thảo quay ra cười với mẹ Thảo: “Trời ơi làm gì có con chó màu đỏ cơ chứ”, hai bác trêu yêu tôi. Còn tôi thì cứ ngượng vì đã trả lời “sai”.

10 năm sau, khi học tại Ấn Độ, người bạn cùng nhà tôi nuôi rất nhiều chó cảnh. Trong đó có giống Red Setter. Tôi luôn bị nó cuốn hút bởi màu lông đỏ đun tự nhiên rất tươi và “chói lọi” của nó. Trong một lần ngồi ngắm nghía chú chó, tôi bất chợt nhớ lại kỷ niệm thời ấu thơ. Trong suốt 10 năm qua tôi đã chấp nhận và tin rằng trên đời này chẳng bao giờ có con chó nào màu đỏ. Thế giới của riêng tôi suýt nữa thì được nằm gọn trong định nghĩa và cảm nhận của bố mẹ Thảo. Biết đâu, nếu tôi lớn lên với niềm tin rằng có thể có con chó màu đỏ, tôi đã chẳng… tự tạo ra một giống chó có lông màu đỏ mà không cần chờ đến khi tôi gặp chú Red Setter ở Ấn Độ!

“Nếu em phải chờ đến sự đánh giá của người khác…”

Trong khoá học Thạc sỹ về Nghệ Thuật nhằm Phát triển con người, chúng tôi luôn được dạy: “Chân lý của Nghệ thuật nhằm phát triển con người, là tạo điều kiện để người khác đặt tên cho thế giới và lịch sử của mình, bằng chính cảm nhận và niềm tin của họ, chứ không phải là để họ phải theo những định nghĩa đã được vạch ra bởi thế lực khác. Không phải “tôi sẽ không bao giờ được như họ”, mà phải là “tôi đang trở thành tôi”.

Khi đánh giá một bài thực tập, chúng tôi luôn được phép tự cho điểm, điểm này mang hệ số 4 trong tổng số hệ đánh giá của các thầy cô trong và ngoài trường. Tôi luôn bị ấn tượng bởi lời dặn dò của thầy giáo: “Nếu em phải chờ đến sự đánh giá của người khác để biết em đáng điểm mấy, các thầy đã thất bại”. Tôi hiểu rằng, không ai cả, ngoài tôi, đủ tư cách và quyền lực để đánh giá về việc tôi làm và giá trị của con người tôi. Tất cả những ý kiến khác đều là để tham khảo.

Tôi không thích khi bị đem ra so sánh với người khác. Tôi được hình thành từ lịch sử và quá trình phát triển của chính tôi, và “cái tôi” đó không thể được định nghĩa dựa trên một cái tôi và một lịch sử khác.

Tôi không định nghĩa thế giới của người khác. Mà tôi định nghĩa cho thế giới của chính tôi. Những cái cây xấu đến mức chỉ có tôi mới thấy được, những khu ổ chuột giàu văn hoá đến mức chỉ có tôi mới cảm nhận được, những lời nói đau như dao cắt mà chỉ có tôi mới hiểu vì sao, những bản nhạc không thể lọt nổi vào tai vì nó không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của tôi về nhạc. Cũng được thôi khi đôi khi phải nhìn thế giới qua con mắt của người khác, nhưng tôi cũng có quyền được nhìn và đặt tên cho nó theo cách mà tôi thích. Tôi có quyền được thử nghiệm, được vấp ngã, và được tự rút ra bài học cho mình, theo tôi, điều quan trọng nhất là sự lựa chọn của mình đã được nghiên cứu kỹ về các kết quả có thể xảy ra.

“Con sẽ chỉ vào Liên Hiệp quốc thôi”

Khi mới đi học Ấn Độ về, ba mẹ tôi khuyên nên vào Đại sứ quán các nước để làm việc, thực ra mà nói ba mẹ tôi cũng biết nhiều bạn bè làm việc ở các Đại sứ quán nên tìm kiếm thông tin tuyển dụng cũng dễ dàng. Lúc đó còn rất trẻ, tôi nghĩ nếu mình làm việc cho sứ quán nước ngoài, mình sẽ luôn làm nhân viên, mà ít khi lại là nhân viên được tin dùng vì xét cho cùng mình cũng không phải là người của nước họ. Nếu làm cho sứ quán Việt Nam (tại nước ngoài) thì càng khó, mà cái thu về được trong một thời gian như thế không phải là cái gì hấp dẫn để tôi phải lao theo. Tôi nghe thấy tên Liên Hiệp quốc. Hồi đó tôi chỉ biết Liên Hiệp quốc rất to, mà lại hoạt động phát triển con người, thế là tôi thích. Tôi nói với ba mẹ: “Con sẽ chỉ vào Liên Hiệp quốc thôi”.

Hai tuần sau khi tôi về nước, có tin Dự án xoá đói giảm nghèo của Liên Hiệp quốc tại tỉnh Hà Giang đang tuyển người phiên dịch và thư ký dự án, thời gian hợp đồng là 3 tháng. Nhiều người vừa nghe xong chê ngay ở hai điểm: “Phải lên miền núi, và hợp đồng chỉ có 3 tháng”. Tôi thì đâu có bị ràng buộc gì, mà trước khi về nước tôi đã kịp du ngoạn Ấn Độ, Iran, Singapore, Australia, Thailand ... một mình, cảm thấy bị hấp dẫn tột cùng với những nơi “thô sơ” và giàu văn hoá bản địa. Hà Giang là một cái tên gọi hấp dẫn. Còn về vấn đề “3 tháng”, kể cả một ngày tôi cũng đi, kể cả một giờ tôi cũng “chơi”, nói gì đến 3 tháng. “Chỉ cần đặt một ngón chân vào đó tôi cũng sẽ được biết rất nhiều điều”. Vì, tôi không mất gì cả.

Tôi nộp hồ sơ, tôi được mời phỏng vấn. Có những câu hỏi thế này: “Chị làm việc xa nhà có chịu được không?”, “Tôi xa nhà 3 năm nay từ năm 16 tuổi”, “Chị đi miền núi, đi lại vất vả, mà chị lại là con gái”, “Ý ông là con gái thì không đi miền núi được?”,v.v…

Tôi được tuyển vào làm tại Liên Hiệp quốc, 3 tuần sau khi về nước. Lúc đó tôi 19 tuổi, mức lương là 450USD và công tác phí là 450 nghìn/ngày. Chú Hoàng Sơn, giám đốc dự án, ký tiếp hợp đồng với tôi và tổng thời gian làm việc của tôi ở Hà Giang là 1 năm rưỡi. Tôi sẽ không nói đến việc thị xã Hà Giang hiện đại và sạch sẽ như thế nào, phòng làm việc tiện nghi ra sao, tôi cũng sẽ không nói đến tôi đã vui thích thế nào khi được đi khắp 10 huyện của Hà Giang, nhận ra rất nhiều điều, biết rất nhiều người. Và tôi đã trưởng thành ra sao…

Tôi vẫn nhớ trong khi chờ kết quả, có một số bạn bè của ba mẹ tôi đến thăm nhà. Có người nói nếu cần sẽ giúp tôi thi vào Bộ nào đó với mức giá là mười mấy triệu đồng. Mới nghe ba mẹ kể lại tôi đã đỏ mặt tía tai không chịu được. Thứ nhất người ta nghĩ tôi không tự đứng được, thứ hai người ta không quan tâm đến mối quan tâm của tôi (nên mới nghĩ tôi muốn vào Bộ abc), thứ ba không những tôi không được nhận tiền mà tôi lại còn phải trả tiền cho công sức của chính tôi. Tóm lại nếu kể ra thì quá nhiều cái vô lý, không chấp nhận được.

Từ nhỏ đến lớn, tôi hay nghe các bạn mình lo âu và suy nghĩ theo quan niệm của người khác. “Nếu bố mẹ biết tớ chơi với cậu, bố mẹ tớ sẽ…”, “Nếu em trao cho anh tất cả, ông hàng xóm/ bà con khối phố sẽ..”, “Nếu tôi đi học ngành mà tôi thích, gia đình tôi sẽ..”, “Em mong ước lớn lên sẽ thành người có ích cho xã hội”… mà ít khi tôi thấy “Nếu tôi làm điều này, tôi sẽ (hài lòng/ không hài lòng/ vui/ không vui…)”, hoặc “Em muốn thành người có ích cho chính bản thân mình”. “Sống vì bản thân” dường như không được ủng hộ, mà “sống vì người khác” thì cũng ít khi nào được trọn vẹn. Nếu tôi vui, tôi đã bớt đi cho thế giới một nỗi buồn. Nếu tôi làm được gì cho bản thân, tôi đã lo được ít nhất một gánh nặng cho cả thế giới.

Mẹ tôi hay mắng “Con làm thế chẳng giống ai cả”, còn ba tôi thì “cần gì phải giống ai, miễn sướng thì thôi”. Khi mẹ và bà khốn khổ để dạy dỗ chúng tôi cách ăn uống, nói, cười cho giống con gái nhà thiên hạ, ba tôi trái lại, luôn cổ vũ: “Cần gì phải cười chúm chím, cứ cười sao cho sảng khoái nhất thì thôi”, “Con không muốn cắt ra ăn cũng được, cứ ngoạm cả quả, cắn ngập răng cho sướng”.

Khi dạy bảo, mẹ thường so sánh tôi với người khác: “Con phải được như anh A, chị B”. Bây giờ lớn lên, mỗi khi mẹ so sánh đứa út với người khác tôi thường nhắc: “Cẩn thận cái Linh nó giỏi hơn những người kia đấy, mẹ chỉ giới hạn nó vào mấy người đó thôi sao?”.

Giờ đây nếu ai trách “làm thế chẳng giống ai cả”, tôi đều trả lời “thì tôi cũng có giống ai đâu?”.

Phan Ý Ly (Theo Cóc đọc số 32, 1/2011)
---------------------------------------------------------------------------------
16 tuổi, Phan Ý Ly học đại học ngành tâm lý và xã hội ở Ấn Độ. 19 tuổi đã đi làm cho Liên Hiệp Quốc với tư cách nhân viên dự án xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang. 2 năm sau trở về Hà Nội làm cho Quỹ Dân số thế giới. Năm 2004, Phan Ý Ly giành được học bổng Chevening, trở thành người VN đầu tiên học thạc sĩ ở Anh cho một ngành học rất mới: nghệ thuật trong công tác phát triển xã hội. Năm 23 tuổi, một mình cô đến xóm liều ở Châu Phi để thực tập. Năm 2006, đoạt giải đúp cho dự án “Cuộc đời của tôi – quan điểm của tôi” trong Ngày sáng tạo VN “Sáng tạo vì trẻ em thiệt thòi”, do Bộ Giáo dục Đào tạo và Ngân hàng Thế giới tại VN tổ chức. Cô gái ấy đã từng đại diện cho …Hồng Kông trong chiến dịch quảng cáo của Kenya Airway…

Sau nhiều thành công với các dự án nghệ thuật liên quan đến cộng đồng, đầu năm 2010, Phan Ý Ly thành lập Life Art (www.lifeartvietnam.org), một doanh nghiệp xã hội độc đáo duy nhất tại Việt Nam, chuyên sâu vào việc sử dụng kỹ thuật sân khấu và nghệ thuật để phát trển cá nhân và cộng đồng.
No comments

No comments :

Post a Comment